Tại sao uống thuốc sau khi ăn là tốt nhất
Do đặc thù của hệ tiêu hóa, thức ăn làm thay đổi thời gian rỗng của dạ dày nên nếu uống thuốc lúc đói, thuốc chỉ lưu lại dạ dày khoảng 10 - 30 phút rồi bị tống ngay xuống ruột; còn nếu uống thuốc sau khi ăn, thời gian lưu lại dạ dày của thuốc có thể từ 1 - 4 giờ.
Điều này ảnh hưởng đến sinh khả dụng của nhiều loại thuốc. Thức ăn làm cản trở sự di chuyển của thuốc trong lòng ruột nên nếu uống thuốc sau bữa ăn thì thuốc sẽ bị khối thức ăn cản trở và di chuyển chậm trong ống tiêu hóa.
Bữa ăn giàu chất béo, quá nhiều đường, quá mặn hoặc quá chua đều cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến các loại thuốc kém bền trong môi trường acid của dạ dày và làm chậm sự di chuyển của thuốc đến vị trí hấp thu tối ưu là ruột non. Ảnh hưởng của thức ăn đến sự hấp thụ thuốc còn phụ thuộc nhiều vào dạng bào chế của thuốc: các dạng thuốc rắn, thuốc có độ tan thấp bị ảnh hưởng bởi thức ăn nhiều hơn các dạng thuốc lỏng, dạng dung dịch, cồn thuốc...
Tuy nhiên, thức ăn kích thích sự tiết mật, đặc biệt thức ăn giàu chất béo. Điều này sẽ có lợi cho việc hấp thu các loại thuốc tan nhiều trong mỡ, như: vitamin A, D, E, K... Cùng đó, thức ăn hoạt hóa hệ thống men vận chuyển các chất qua thành ruột. Nhờ vậy mà sự hấp thu thuốc có bản chất là hợp phần dinh dưỡng như các vitamin, glucose, acid amin, chất khoáng... sẽ dễ dàng hơn.
Do vậy, ngoài việc liên quan đến dược lý thời khắc và mục đích dùng thuốc (ví dụ thuốc ngủ uống vào buổi tối, thuốc hạ sốt uống khi sốt) thì thời điểm uống thuốc có mối liên quan rất quan trọng đến bữa ăn. Vì vậy, với mỗi loại thuốc, sẽ luôn có chỉ định uống vào thời điểm nào trong ngày.
Uống không đúng chỉ định thì không những hạn chế tác dụng của thuốc mà đôi khi còn phản tác dụng.
Dược sĩ Vũ Hồng Minh (Khoa Dược Bệnh viện TW)
----------------------------------------------------------------------------------------------