Thế nào gọi là thừa cân, béo phì ?
I. THẾ NÀO GỌI THỪA CÂN, BÉO PHÌ ?
Là khi lượng mỡ trong cơ thể tăng lên quá mức bình thường, dẫn đến những nguy cơ về mặt sức khỏe và tâm lý, nguyên nhân do năng lượng ăn vào nhiều hơn nhu cầu nang lượng hàng ngày liên tục trong một thời gian dài.
* Như vậy là có những người nặng cân nhưng không bị bệnh béo phì, bao gồm:
- Những người có cơ bắp phát triển: vận động viên thể hình, người chơi thể thao nặng liên tục thường xuyên...
- Những người bị ứ nước trong cơ thể do bệnh lý hay tác dụng phụ của thuốc: dùng nội tiết tố sinh dục, corticoide, phù do bệnh thận, tim...
- Tình trạng tăng khối xương do các nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý: xương to do di truyền, các tích tụ trong xương bất thường
- Một số tình trạng tích nước và tăng cân khác: Mang thai, u bướu khổng lồ...
* Đồng thời, có những trường hợp cân nặng không nhiều nhưng vẫn là béo phì do khối mỡ trong cơ thể tăng nhiều hơn so với các khối xương, cơ, nước…
* Béo phì không thể xuất hiện trong một thời gian ngắn. Thời gian thông thường để một cơ thể bình thường đạt đến cân nặng được chẩn đoán là béo phì tối thiểu vào khoảng 1 năm.
Các tế bào mỡ trong mô mỡ tăng theo hai cách:
- Gia tăng kích thước tế bào: Giai đoạn đầu, dễ hồi phục hơn
- Gia tăng số lượng tế bào: Giai đoạn sau, khó hồi phục
Ngoài ra, ở người béo phì nặng có tăng mỡ trong máu và nhiễm mỡ trong các cơ quan nội tạng (gan, thận...).
II. TẠI SAO NGƯỜI TA BỊ BÉO PHÌ?
Trên 90% nguyên nhân béo phì là do yếu tố bên ngoài, tức là do ăn uống, chế độ vận động, sinh hoạt; không đến 10% là do di truyền và bệnh lý, thường gặp trong các bệnh lý về gen, bệnh lý nội tiết. Béo phì xảy ra khi năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu cần thiết trong một thời gian dài, có thể do tăng ăn uống hoặc giảm hoạt động thể lực hoặc cả hai xảy ra cùng lúc.
Người Việt Nam chúng ta vừa trải qua một thời kỳ nhìn đâu cũng toàn thấy suy dinh dưỡng, nên trong suy nghĩ mọi người đều thích nhìn những em bé “sổ sữa” bụ bẫm, cổ - tay – chân đầy ngấn, người lớn thì mập có bụng một chút cho sang trọng, phát tướng phát tài … nên dễ mất cảnh giác. Nền kinh tế phát triển đã mang lại cho cuộc sống đô thị nhiều thay đổi: thực phẩm dồi dào, sẵn có, thức ăn công nghiệp tràn lan; phương tiện máy móc gia đình đa dạng làm giảm hoạt động tay chân… là những yếu tố tác động đáng kể đến việc gia tăng không cưỡng được của thừa cân béo phì.
III. MỨC ĐỘ NGUY CƠ CỦA CÁC KIỂU BÉO PHÌ KHÁC NHAU
1. Béo phì trung tâm: Mỡ tập trung chủ yếu ở vùng bụng, thường gặp ở nam giới, nguy cơ sức khoẻ cao do mỡ tập trung ở phủ tạng nhiều
2. Béo phì vùng thấp: Mỡ tập trung ở bụng dưới và đùi, thường gặp ở nữ giới. Nguy cơ tương đối ít hơn so với béo phì trung tâm
3. Béo phì ngoại biên: Mỡ tập trung ở tay chân, nách, ngực... thường gặp ở trẻ em, nguy cơ không nhiều và có thể phục hồi nếu can thiệp đúng cách
4. Tụ mỡ bất thường: Mỡ tập trung bất thường ở vùng gáy, cổ... làm hình dáng mất cân đối, thường gặp trong bệnh lý tuyến nội tiết, hoặc tai biến do dùng nội tiết tố. Dự hậu thường xấu.
IV. LÀM CÁCH NÀO ĐỂ BIẾT MÌNH BỊ BÉO PHÌ ?
Cách đơn giản nhất và chính xác nhất là thường xuyên theo dõi cân nặng của mình. Có nhiều cách để đánh giá béo phì:
- Nhìn, sờ: mặt tròn, má phính sệ, cằm có ngấn mỡ, bụng phệ, có nhiều ngấn mỡ, dùng tay véo da lên thấy lớp mỡ dưới da dày,... Người béo phì hay buồn ngủ, mau mệt, đổ mồ hôi khi vận động... Tuy nhiên nhìn thấy béo phì thì thường đã béo phì ở mức độ nặng, việc phục hồi trong giai đoạn này thường khó khăn hơn nhiều lần so với các giai đoạn sớm
- Tính cân nặng theo chiều cao: Chỉ số BMI dành cho người trưởng thành trên 18 tuổi
Béo phì trẻ em: Cân nặng vượt quá 120% so với chiều cao hoặc trên 85 percentile (dựa vào bảng)
- Đo tỉ lệ mỡ: bằng cân đo mỡ, đo các nếp gấp da, cân trong nước...
Trung bình = 25 ở nam giới và 30 ở nữ giới tuổi trung niên
- Tỉ lệ eo/mông: > 0,85 ở nữ và > 0,95 ở nam
- Đo vòng bụng tuyệt đối : 80 cm ở nữ và 90 cm ở nam.
V. AI DỄ BỊ BÉO PHÌ ?
- Ít hoạt động thể lực, làm các công việc ngồi một chỗ
- Có thói quen sử dụng các loại thức ăn có năng lượng cao
- Sống tại các đô thị
- Trẻ có cha mẹ mập phì
- Các cộng đồng có sự thay đổi đột ngột về chế độ ăn
- Tuổi trung niên
- Phụ nữ sau sinh, đặc biệt không cho con bú sữa mẹ.
Theo Dinh Dưỡng Việt Nam
----------------------------------------------------------------